Nội dung Mẹ_Việt_Nam_(trường_ca)

Bài trường ca mang hình ảnh mẹ Việt Nam, một khái niệm trừu tượng trong dân gian, qua đó đã đồng hóa thành lịch sử Việt Nam và gửi gắm thông điệp tình thương dân tộc[1]. Theo lời tác giả mô tả, đây

...là một âu ca, ca tụng Mẹ Tổ Quốc và những Mẹ điển hình trong truyền kỳ lịch sử nước nhà, đề tài và cảm hứng nhắm dựa vào tình thương yêu và tính hiếu hoà, tính tình này đã sinh tồn mạnh mẽ trên đất ta và phải được truyền đi trong thế giới tàn nhẫn hiện tại

Trường ca gồm 4 phần: Đất mẹ, Núi mẹ, Sông mẹ và Biển mẹ, mỗi phần có nhiều bài, tổng cộng là 21 bài hát, những bài này cũng thường được các ca sĩ hát như bài độc lập.

Đất mẹ

Lúc trẻ tuổi, mẹ Việt Nam được biểu tượng bằng đất màu tươi tốt, đa tình, nền tảng của gia đình, ruộng nương, làng nước...

— Phạm Duy

Phần Đất mẹ gồm 3 đoạn, chia làm 5 bài:

  • Đoạn 1 gồm 2 bài: Mẹ ta, Mẹ xinh đẹp
  • Đoạn 2 gồm 2 bài: Mẹ chờ mong, Lúa mẹ
  • Đoạn 3: Mẹ đón cha về

Trong đó, đoạn 1 tả hình dáng và đặc điểm của mẹ, đoạn này ca ngợi sự giản dị của người mẹ Việt Nam tuy xinh đẹp (má tươi hồng, bàn tay trắng, nhỏ người vai lẳn, vú căng tròn, tròn lưng ong, tóc mây ngàn...) nhưng vẫn phục sức mộc mạc:

Mẹ Việt Nam, không son không phấnMẹ Việt Nam, chân lấm tay bùnMẹ Việt Nam, không mang nhung gấmMẹ Việt Nam, mang tấm nâu sồng.

Bốn câu này được Xuân Vũ, trong cuốn Nửa thế kỷ Phạm Duy nhận xét: "Tôi xin chịu. Không có ai mô tả Mẹ Việt Nam nổi đến thế. Mà chỉ trong có 16 chữ! Như thế là quá tài tình vì tả thể chất mà người đọc nhận thấy cả tâm hồn. Tấm áo nâu, rướn mình đi từ núi rừng cao ở bản Tình Ca càng nổi bật ở đây, vì là tấm nâu sồng của Mẹ Việt Nam là tấm áo nâu mang hồn sông núi. Những ý tưởng cao đẹp tuôn trào ra ngón đàn."

Trong đoạn 2, hình ảnh Mẹ mong chồng đã được nhắc tới. Mẹ được mô tả bằng những hình ảnh quen thuộc của đất nước Việt Nam như: ruộng, lưỡi cầy, đất... Mẹ mang hình ảnh của Nữ Oa, tiểu Kính Tâm, Châu Long, là những tiêu biểu về đức tính tốt đẹp được truyền tụng trong dân gian[2]. Đoạn 3 tả niềm vui của mẹ khi đón cha về, đồng thời ca ngợi sự tảo tần, chịu thương chịu khó, từ bi, của người mẹ (Năm tháng lo gạo gánh nuôi chồng), và làm nổi bật công lao của mẹ trong những cuộc kháng chiến của dân tộc:

Việt Nam có anh hùng, mắt nhung và môi son Giữa mùa Xuân giết giặcYêu nước non, hé môi cười Nụ cười thanh bình Mẹ Việt Nam.

Núi mẹ

Khi đứng tuổi, mẹ hiện thân là núi non sắt đá, trong sự hi sinh ròng rã, vẫn bền bỉ đợi chờ và che chở người chinh phu chưa hết nợ đao binh.

— Phạm Duy

Phần Núi mẹ gồm 3 đoạn, chia ra làm 5 bài:

  • Đoạn 1 gồm 2 bài: Mẹ hỏi, Mẹ bỏ cuộc chơi
  • Đoạn 2: Mẹ trong lòng người đi
  • Đoạn 3 gồm 2 bài: Mẹ trả lời, Mẹ hóa đá

Phần này lấy hình ảnh của núi để nói về sự chờ đợi của Mẹ, chờ đợi chồng về, chờ đợi một cái gì đó tốt đẹp sẽ quay trở lại sau cơn binh lửa dằng dai. Mấy câu lục bát biến thể mở đầu khắc hoạ nỗi đau của mẹ khi chiến cuộc xảy ra, chồng phải đi lính:

Lính vua ! Lính chúa ! Lính làng !Trời ơi ! Giết bao nhiêu giặc Cho chàng, chàng phải đi ?

Núi mẹ mang nhiều hình ảnh nói lên cảm xúc và tâm trạng người chinh phụ, lấy 4 mùa của năm ra để lột tả dòng tâm trạng biến đổi của mẹ:

Mùa xuân và mùa hạ (trong bài 1):

Gió mùa Xuân, Mẹ bâng khuâng hỏi:Hoa trên đồi, hoa trên đồi sớm tối còn tươi Giữa ngày xuân mới, giữa hội mùa vuiSao vắng tiếng cười ? Sao vắng bóng người ?Gió hè qua, Mẹ ra con hỏi Khi trên đồi, khi trên đồi nắng quái chiều hôm

Mùa thu và mùa đông (trong bài 3):

Gió mùa Thu, Mẹ ru con ngủCon vẫn chờ bóng cũ người xưaBốn nghìn năm qua, bóng về rồi đi Bóng ngã chiến trường làm phân bón cánh đồngGió mùa Ðông, Mẹ không thấy mỏiÐứng trông về, đứng trông về bốn cõi trời xa

Bốn đoạn này được viết trên nền làn điệu Ru con phổ biến ở Việt Nam. Trong đoạn mùa Thu có hình ảnh đứa con và chiếc bóng đi về, gợi nên câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương của Nguyễn Dữ.

Riêng đoạn 2 nói lên tấm lòng người ra đi, những lời dặn dò, nguyện ước của họ với người ở lại và những khó khăn người đó gặp phải trên con đường cứu quốc, cứu quốc ở đây cũng là cứu đất Mẹ, cứu mẹ Việt Nam. Trong bài mang nhiều tên núi nổi tiếng của tổ quốc Việt Nam như Thất Sơn, núi Lam...

Câu cuối cùng của phân khúc này, qua bao sóng gió và hy sinh gian khổ, mẹ lại trở lại là người mẹ bình dị, lo lắng trước hết cho gia đình, mặc cho chàng mang những hoài bão lớn lao, mẹ chỉ mong chàng giữ thân để nàng lấy đó làm gương dạy con, như ước mơ bình dị của những phụ nữ:

Giữ dân ! Giữ nước ! Giữ làng ! Chàng ơi, giữ thân cho Mẹ ! Cho nàng dạy con.

Sông mẹ

...Mẹ còn âm thầm xót thương lũ con sông ngòi, có những đứa dại dột, hiếu thắng, phản bội mẹ vì sự tranh giành lẫn nhau, gây oán hận phân chia, làm nát tan lòng mẹ...

— Phạm Duy

Phần Sông mẹ gồm 4 đoạn, chia ra làm 5 bài:

  • Đoạn 1 gồm 2 bài: Muốn về quê mẹ, Sông còn mải mê
  • Đoạn 2: Sông vùi chôn mẹ
  • Đoạn 3: Sông không đường về
  • Đoạn 4: Những dòng sông chia rẽ

Mở đầu của phần này là câu ca dao được ngắt ra, ẩn dụ sự chia cắt trên dòng sông đất nước:

Chiều chiều ra đứng bờ sôngMuốn về quê Mẹ Muốn về quê Mẹ Mà không có đò !

Sau đó là những ngổn ngang, bất ổn trên những dòng sông đất nước, mà chúng ẩn dụ cho những đứa con của mẹ Việt Nam, cũng như tình hình đất nước vào thời kỳ đó:

Sông Hồng cuộn sóng lôi cuốn Sông LôSông Ðà, Sông Ðuống trôi xuống Sông CầuNghe Bạch Ðằng Giang chôn bao nhiêu xác quân TàuSông nào cũng muốn đến trước tranh lấy công đầu

Vì còn mải mê giành giật như vậy nên sông không cùng nhau chảy về quê Mẹ được. Phần bài hát này mang tính thời cuộc cao.

Xuân Vũ khi viết về phần này cũng nói: "Trong phần III của Trường Ca, phần Sông mẹ, Phạm Duy đã nói lên được nỗi bi đát, niềm đau thương của dân tộc ta sau những lúc vinh quang. Có những con sông lịch sử với chiến công oanh liệt như Bạch Ðằng Giang thì cũng có những con sông ô nhục như sông Gianh, Bến Hải. Và có những con sông nhuộm màu chủ nghĩa này, chủ nghĩa nọ, tranh giành lẫn nhau[2]"

Sự tranh giành giữa các dòng sông dẫn đến vùi chôn hình ảnh Mẹ trong đoạn thứ 2. Trong bài này còn có đoạn mẹ ôm sóng vớt củi sông dài, và chìm nghỉm, gợi đến câu chuyện Anh phải sống của Khái Hưng.

Mẹ đã bị chôn vùi, thế nhưng những dòng sông vẫn còn tiếp tục tranh giành, vì không còn đường về, sự việc cứ diễn ra như những đợt sóng cuồng điên, mù mịt (Đoạn 3). Dần dần, dẫn đến những dòng sông chia rẽ (Đoạn 4):

Nước đi là nước không vềChia đôi dòng nước chia lìa dòng sông

Những dòng sông chia rẽ ở đây ám chỉ sự chia cắt ở đất nước Việt Nam vào thời điểm bài hát được sáng tác.

Biển mẹ

Vào lúc tuổi già, mẹ trở thành biển cả đại lượng bao dung, kêu gọi và ôm đón đàn con giang hồ, thành công hay thất bại. Nước mắt vui mừng của mẹ lúc gặp con bốc lên trời cao làm mây đầy đặn và ấm áp, bay đi rửa sạch địa cầu bằng ơn mưa móc...

— Phạm Duy

Phần Biển mẹ gồm 6 đoạn, chia ra làm 7 bài:

  • Đoạn 1: Mẹ trùng dương
  • Đoạn 2: Biển đông sóng gợn
  • Đoạn 3: Thênh thang thuyền về
  • Đoạn 4: Chớp bể mưa nguồn
  • Đoạn 5: Phù sa lớp lớp mây trời cuộn bay
  • Đoạn 6 chia ra làm 2 bài: Mẹ Việt Nam ơi, Việt Nam - Việt Nam

Đây là phần dài nhất của trường ca, mở đầu là Mẹ Trùng Dương với âm điệu miên man, ấm áp và lời ca đằm thắm nhẹ nhàng:

Sóng vỗ miên man như câu ru êm của Mẹ dịu dàng Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của Mẹ trùng dương

Đó là tiếng vỗ về của mẹ khuyên con trở về, sau khi đã tìm con trong gió phương Bắc, nắng phương Nam. Hình ảnh mẹ đồng hóa với biển, buổi sớm vươn vai đón ánh dương, chiều chơi vơi như nằm trong nỗi thương nhớ những đứa con xa, mẹ cho con tôm to, cá lớn thơm ngon đầy thuyền, mẹ tạo nên mưa gió hiền khô...

Đoạn 1 này thường được các ca sĩ hát riêng thành bài Mẹ Trùng Dương. Đây cũng là phần được nhiều người đánh giá cao nhất. Các phần tiếp theo cũng là những lời khuyên nhủ của biển mẹ đối với những đứa con lạc lối. Bài 3 (Thênh thang thuyền về) kể chuyện các con thuyền, con sông đã nghe được tiếng biển mẹ và quay về trong niềm nhớ quê, nhớ mẹ, nhớ nước. Phần 4 nối tiếp bằng việc tả ngoại cảnh lúc mẹ chờ con về. Bài 5 tả quang cảnh lúc những đứa con quay về, có đứa nhỏ ra ngoài trời ngắm cảnh mây bay và kể với bà của nó.

Đoạn 5 là phần kết thúc, gồm 2 bài: Mẹ Việt Nam ơi và Việt Nam, Việt Nam. Phần Mẹ Việt Nam ơi ngắn ngủi, âm điệu du dương tha thiết mang lời thề của đứa con "giữ thơm quê mẹ", khi đã về nhà "khát khao hơi mẹ", và hiểu rằng cuộc đời dù phai tàn thì thế giới sẽ vẫn "còn tình yêu mẹ mà thôi".

Phần tiếp theo là bài hát Việt Nam, Việt Nam

Bài chi tiết: Việt Nam, Việt Nam

Bài này không nói tới chữ mẹ mà nhắc tới Việt Nam 21 lần, xét về nội dung thì không phụ thuộc vào phần "Biển mẹ" nói trên. Phần này chủ yếu ca ngợi hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, cùng với chí hướng, ước mơ vươn đến những điều tốt đẹp.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mẹ_Việt_Nam_(trường_ca) http://www.dactrung.com/NoiDung.aspx?m=bv&id=2247, http://www.phamduy.com/document/tokhuc/vanan.html http://www.phamduy.com/document/truongca/gauthier2... http://www.phamduy2010.com/02sokhao/03MeVietNam.ph... http://www.phamduy2010.com/writings/mevietnam.php http://www.saigonline.com/phamduy/document/truongc... http://www.saigonline.com/phamduy/document/truongc... http://www.saigonline.com/phamduy/document/truongc... http://dactrung.net/Bai-nh-4015-Truong_Ca_Me_Viet_... http://dactrung.net/NoiDung.aspx?m=bv&id=1567